Nhồi máu cơ tim có di truyền không? Các biện pháp phòng ngừa

Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở độ tuổi trung niên và để lại các biến chứng khá lo ngại. Vậy “nhồi máu cơ tim là gì? Nhồi máu cơ tim có di truyền hay không? Các biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim?”. Hãy cùng tham khảo những chia sẻ của bác sĩ về nhồi máu cơ tim nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung thông qua bài viết dưới đây. 

Nhồi máu cơ tim có di truyền không? Chuyên gia giải đáp 

Nhồi máu cơ tim là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời. Nhồi máu cơ tim gây ra bởi sự tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim hay còn được gọi là động mạch vành do cục huyết khối trong lòng mạch. Khi đó, cơ tim sẽ bị thiếu máu nuôi và trở nên hoại tử, gây ra các triệu chứng đau thắt ngực, khó thở, ngất xỉu thậm chí là ngưng tim đột ngột. 

Nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim bắt nguồn từ xơ vữa động mạch vành. Khi phần xơ vữa trong động mạch vành vỡ ra, các hồng cầu và tiểu cầu trong máu sẽ bám vào nơi bị vỡ, tạo thành cục huyết khối trong lòng mạch, chặn đường đi của máu trong động mạch vành tới các bộ phận khác của tim ở phía xa. Các cơ tim không được cấp máu nuôi dẫn đến thiếu máu, nếu kéo dài sẽ gây ra suy tim, hoại tử tim hoặc đột tử.

Vậy nhồi máu cơ tim có di truyền không?

Theo các chuyên gia và bác sĩ tim mạch cho biết, nhồi máu cơ tim bản thân nó vốn không phải là bệnh mà là biến cố của một số bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim,…Vì thế, nhồi máu cơ tim KHÔNG di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, một số bệnh tim mạch – nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim, có khả năng di truyền từ đời này sang đời khác do đột biến gen di truyền. Vì thế nên nếu bố mẹ mắc bệnh tim mạch thì con cái cũng có thể mắc bệnh tim mạch, đồng nghĩa với việc tỷ lệ gặp nhồi máu cơ tim lớn hơn bình thường. Vậy nên nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch và gặp nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyên các thành viên trong gia đình nên chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe tim mạch. 

Nhồi máu cơ tim không di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác
Nhồi máu cơ tim không di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác

Một số biện pháp ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim 

Mặc dù nhồi máu cơ tim không di truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên, người có gia đình mắc bệnh về tim mạch cần chú ý thói quen sinh hoạt để ngăn tránh xảy ra những vấn đề về sức khỏe. Để ngăn chặn tình trạng nhồi máu cơ tim, bạn cần có một cơ thể khỏe mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh. 

– Chế độ dinh dưỡng

Có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, hợp lý phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Nên ăn nhiều rau củ để bổ sung chất xơ và các loại vitamin, chú ý bổ sung vitamin C do có tác dụng làm tăng sức đàn hồi của thành mạch. Nên hạn chế các loại đồ ngọt và chất béo đặc biệt nên hạn chế các loại đồ ăn có chứa nhiều mỡ động vật vì sử dụng nhiều mỡ động vật rất dễ gây ra xơ vữa động mạch.

– Không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê,…

Thuốc lá là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh tim mạch của những người hút thuốc vì thuốc lá có khả năng phá hủy cấu trúc và chức năng của mạch máu. Vậy nên việc ngưng hút thuốc giúp giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim ở mỗi người. 

– Tăng cường tập thể dục mỗi ngày

Tập thể dục có tác dụng mạnh mẽ tương tự như một loại thuốc bổ trợ giúp giảm khả năng mắc bệnh tim mạch từ đó ngăn tình trạng nhồi máu cơ tim. Tập thể dục giúp làm chậm nhịp tim và làm hạ huyết áp ngay cả khi tập thể dục và nghỉ ngơi. Đồng thời, tập thể dục ngăn tình trạng béo phì từ đó có thể ngăn áp lực cho tim. 

– Kiểm soát lượng đường trong máu

Tình trạng lượng đường trong máu cao và kéo dài dẫn tới mắc bệnh tiểu đường và đái tháo đường, sẽ làm tổn thương các mạch máu và các dây thần kinh trực tiếp chi phối mạch máu dẫn vào tim. Thời gian lượng đường máu cao càng kéo dài nguy cơ để lại các biến chứng về tim mạch càng lớn. Để kiểm soát lượng đường máu, bạn nên hạn chế đồ ngọt và thực phẩm giàu tinh bột trong các bữa ăn hàng ngày. 

– Kiểm soát căng thẳng 

Stress là một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng nhịp tim và lưu lượng máu. Căng thẳng và lo lắng quá mức chính là một trong những nguy cơ góp phần vào bệnh lý xơ vữa động mạch. Hãy dành thời gian thư giãn mỗi ngày bằng việc sắp xếp công việc một cách hợp lý, nghe nhạc, thiền định… để cải thiện sức khỏe tinh thần.

Những lưu ý cần phải biết để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim
Những lưu ý cần phải biết để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim

Tóm lại, khẳng định cho câu hỏi “nhồi máu cơ tim có di truyền không” thì đáp án là không. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim là một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra với bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào. Việc tìm hiểu về nhồi máu cơ tim có thể giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm, giảm để lại các biến chứng nặng nề. Nếu có các dấu hiệu đầu tiên về nhồi máu cơ tim, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra và tham khảo thêm về ý kiến của bác sĩ.